Theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thì một trong các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm là:
“Khai thác nguồn tài nguyên sinh vật bằng phương tiện, công cụ, phương pháp hủy diệt, không đúng thời vụ và sản lượng theo quy định của pháp luật.”
Trong đó, theo khoản 6 Điều 3 Nghị định 155/2016/NĐ-CP thì hành vi Khai thác trái phép loài sinh vật là các hành vi săn bắt, đánh bắt, bẫy bắt, hái, lượm, thu giữ nhằm lấy các sinh vật (bao gồm động vật, thực vật, nấm, vi sinh vật), bộ phận hoặc dẫn xuất của các loài động vật, thực vật mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vượt quá số lượng cho phép trong giấy phép khai thác của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Dụng cụ kích điện để đánh bắt giun đất bị cơ quan chức năng thu giữ
Do đó, việc khai thác giun đất cũng như các sinh vật khác trong đất bằng bất kỳ hình thức nào làm ảnh hưởng đến độ phì nhiêu của đất, sự sinh trưởng, phát triển của cây trồng, phá vỡ đa dạng sinh học và hủy hoại môi trường đất đều bị pháp luật nghiêm cấm theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Mặc dù hiện nay pháp luật chưa có chế tài xử phạt đối với việc khai thác, đánh bắt giun đất, các sinh vật khác trong đất bằng kích điện. Tuy nhiên, giun có vai trò quan trọng với hệ sinh thái đất, giúp đất tơi xốp, thoát nước và giữ ẩm. Phân giun là nguồn dinh dưỡng tốt cho cây. Việc sử dụng kích điện để đánh bắt giun đất là hành động tận diệt giun đất và các sinh vật có ích khác trong đất, làm giảm chất lượng tầng đất canh tác, gây ô nhiễm và suy thoái môi trường; đây cũng là hành động nguy hiểm đối với tính mạng con người và các động vật khác. Vì vậy, UBND phường đề nghị nhân dân nâng cao ý thức trong việc bảo vệ giun đất, kịp thời ngăn chặn và phản ánh về UBND phường các hành vi hủy diệt giun đất để có biện pháp xử lý kịp thời.
BAN BIÊN TẬP TRANG TTĐT PHƯỜNG BẦN YÊN NHÂN