Trải qua hàng vạn năm, sông Hồng đã cần mẫn bồi đắp phù sa làm nên vùng đồng bằng châu thổ, tạo nên Phố Hiến – Hưng Yên trù phú. Vào thế kỷ XVI – XVII, Phố Hiến là một thương cảng nổi tiếng của Việt Nam với hoạt động giao thương nhộn nhịp. Khi đó, Phố Hiến là một đô thị phồn vinh, nổi bật chỉ đứng sau Kinh đô Thăng Long. Nhiều thương nhân nước ngoài đã tới Phố Hiến kinh doanh, buôn bán và cư ngụ tại đây như: Hà Lan, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Trung Quốc… Cùng với hàng hóa, các thương nhân nước ngoài đã mang đến Phố Hiến những nét văn hóa riêng đặc trưng cho từng vùng miền, từng quốc gia. Phố Hiến trở thành điểm hội tụ, giao thoa của các nền văn hóa. Trải qua nhiều biến cố của thời gian cùng những thăng trầm của lịch sử, Phố Hiến không còn là một thương cảng, trung tâm thương nghiệp nhưng những dấu tích của một thời hưng thịnh vẫn còn rất đậm nét trong các công trình kiến trúc, những tập quán, nếp sống của cộng đồng dân cư.
Thành phố Hưng Yên hiện còn bảo tồn được 182 di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật (trong đó có 01 Khu di tích Quốc gia đặc biệt, 20 di tích xếp hạng quốc gia, 25 di tích xếp hạng cấp tỉnh); gần 100 bia ký và hàng ngàn cổ vật có giá trị. Điều đặc biệt là các di tích phân bố ở khắp các phường, xã tạo thành một quần thể di tích với nền kiến trúc nghệ thuật độc đáo, chứng minh cho thời kỳ phát triển rực rỡ của một "Tiểu Tràng An" xưa, là di sản vô giá của kho tàng văn hóa dân tộc và nhân loại. Bên cạnh những công trình kiến trúc mang vẻ đẹp đặc trưng thuần Việt còn có các công trình kiến trúc có sự kết hợp, giao thoa hài hòa, tinh xảo của kiến trúc Trung Hoa, kiến trúc phương Tây với văn hóa Việt. Quần thể văn hóa tâm linh của Phố Hiến tập trung và cô đọng, mỗi một vùng dân cư lại có một không gian văn hóa khác nhau tạo thành một thực thể đa dạng trong văn hóa. Mỗi làng, mỗi xã, mỗi thôn đều lựa chọn cho mình một vị thần, thánh linh thiêng nhưng đều có một điểm chung là các vị thần thánh đều là những vị hiền nhân, đem lòng thương yêu dân chúng và hy sinh thân mình cho công cuộc bảo vệ đất nước, triều đình. Sự đậm đặc về di tích gắn với tâm linh, tín ngưỡng thờ nhân thần và thiên thần đã tạo cho thành phố Hưng Yên một bản sắc văn hoa sâu đậm, vừa mang tính dân tộc cộng đồng vừa mang đặc trưng riêng của địa phương; đồng thời cũng tạo cho thành phố một hệ thống các lễ hội dân gian truyền thống độc đáo, với trên 30 lễ hội được diễn ra hằng năm, đã góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương. Ở đây, mỗi công trình tôn giáo, tín ngưỡng cổ kính lại ẩn chứa trong đó một câu chuyện riêng đầy ly kỳ, triết lý. Từ đó tạo nên những nét riêng độc đáo của từng lễ hội tại các di tích khiến không gian văn hóa của thành phố Hưng Yên vừa đa dạng về hình thức song cũng vô cùng đặc sắc tạo thành dòng chảy.
Rước kiệu tại Lễ hội Văn hóa dân gian Phố Hiến
Năm 2007, thị xã Hưng Yên (nay là thành phố Hưng Yên) lần đầu tiên tổ chức Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến. Từ đó đến nay, Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến được tổ chức định kỳ vào tháng 3 âm lịch hằng năm và trở thành điểm nhấn trong các hoạt văn hóa, lễ hội của thành phố Hưng Yên cũng như của tỉnh. Với việc phục dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa tín ngưỡng, những trò chơi dân gian truyền thống mang đậm dấu ấn của vùng đất Phố Hiến - thương cảng nổi tiếng một thời. Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến được tổ chức nhằm khai thác, phát huy giá trị của di tích góp phần bảo lưu những giá trị văn hóa truyền thống của những dấu tích cổ xưa trên đất Phố Hiến. Việc tổ chức lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến được gắn với các di tích và phục dựng lại các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng cổ sẽ góp phần tái hiện về một vùng đất đã đi vào lịch sử với câu ca "Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến". Tại Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến, các tinh hoa văn hóa của các lễ hội tại các di tích được chắt lọc hội tụ tại đây thể hiện đầy đủ sự tinh túy, đặc sắc của văn hóa đất và người Phố Hiến. Đến với lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến, nhân dân và du khách không chỉ được hòa mình vào không gian lễ hội mà còn là dịp để thưởng ngoạn, chiêm ngưỡng, tìm hiểu về các di tích lịch sử văn hóa vốn là điểm nhấn trong du lịch Phố Hiến. Điển hình như: Văn miếu Xích Đằng, nơi tôn vinh truyền thống hiếu học của người dân Phố Hiến – Hưng Yên; chùa Chuông được mang vẻ đẹp được kiến trúc, cảnh quan được mệnh danh “Chùa Chuông Phố Hiến đẹp nhất danh lam”; hồ Bán Nguyệt thơ mộng - dấu tích còn lại của thương cảng Phố Hiến; đền Trần, đền Mẫu, đền Thiên Hậu, đến Bà Chúa Kho… Trong không gian linh thiêng của các di tích, các hoạt động văn hóa cộng đồng được tái hiện phần nào khắc họa sống động, giúp du khách mường tượng về cảnh tấp nập “trên bến dưới thuyền” của Phố Hiến xưa. Đắm mình trong không khí lễ hội, du khách được tìm hiểu sâu thêm về truyền thống văn hóa, được khám phá những nét độc đáo riêng về ẩm thực, âm nhạc và các trò chơi dân gian độc đáo, qua đó hiểu thêm về mảnh đất và con người xứ nhãn, một mảnh đất Yên Bình – Hưng Thịnh với những con người thân thiện, hiếu khách, thanh lịch và văn minh. Đây cũng là dịp để thành phố Hưng Yên quảng bá tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch, dịch vụ gắn với các di tích lịch sử, lễ hội… nhằm không ngừng góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Thành phố Hưng Yên đang nỗ lực duy trì hoạt động của lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến đồng thời nâng tầm lễ hội trở thành lễ hội truyền thống. Lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến trở thành nơi hội tụ và lan tỏa tinh hoa văn hóa Phố Hiến.
Nguyễn Tuấn Cường
Tỉnh ủy viên
Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên